VĂN

CON TIM THỔN THỨC

duy xuyên
tacoma

Chương 1
TUỔI HỌC TRÒ

Tôi sinh ra vào ngày 5 tháng 6 năm 1932 và lớn lên tại một ngôi làng nhỏ, trải dọc dài bên tả ngạn của dòng sông Cái uốn khúc, âm thầmn, lặng lờ chảy ra cửa biển Nha Trang, bao bọc thôn xóm hiền hòa của cư dân miền thùy dương cát trắng, thành phố Biển tuổi thơ, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời với lời ru vỗ về của Mẹ.

Cha tôi. một công chức bình thường, ngay hai buổi, với chiếc xe hiệu Pờ Rô, sơn hình hai con cá vàng, cha tôi ông đạp xe đi làm, để nuôi đàn con dại đang đến tuổi đòi ăn.

Đã lâu lắm rồi, cha mẹ tôi di chuyển về làng Xương Huân, Phường Đệ Nhất Thị Xã Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.  Nơi đây, thân phụ tôi đã mua một căn nhà với vườn cây trái rất rộng, bên tả ngạn của dòng sông, quanh năm nước trong xanh, phủ che một cồn cát trắng, mà hồi còn nhỏ, bọn trẻ chúng tôi, thường rủ nhau bơi ra ‘Cồn Giữa’, chia phe đá banh, hoặc đào bới bắt dã tràng đang xe cát làm hang.

Cha mẹ tôi đã trồng thêm nhiều loại hoa xinh đẹp và một vài giống cây ăn trái như ổi, chùm ruột, dừa… do đó, khu vườn nhà tôi, trở thành một cánh rừng thưa, nho nhỏ, vừa đủ cho anh em chúng tôi chơi trò cút bắt hay rượt đuổi theo đàn bướm xoè cánh bay nhởn nhơ trên mấy khóm cúc đang nở đầy bông hoa. Vào những đêm sáng trăng, chúng tôi thường nô đùa dọc theo dòng sông xanh, nơi đây vào những lúc thủy triều lên xuống, đã cung cấp cho chúng tôi nhiều bãi tắm thật lý tưởng.

Bọn trẻ xóm Cây Bàng, thường ngụp lặn dưới nước trong veo, xô đẩy thỏa thích, tạt nước vào nhau khi tan trường về.  Thôn Xóm Phố Phường tôi, đã có được cái diễm phúc là phần đông dân cư đã sinh sống quanh quẩn bên bờ của dòng sông Cái ven theo làng Xương Huân, nên xóm làng đã nằm khép nép bên tả ngạn dòng sông Cái, nước chảy lặng lờ, bắt nguồn từ bên phải chợ Đầm.

Những ngày còn thơ ấu, tôi cứ tưởng, dòng sông Cái của tôi, bắt đầu khởi nguồn từ một bờ xi-măng thật rắn chắc, ở đầu đường Nguyễn Thái Học, tụ điẻm của bến xe ngựa Nha Trang Thành. Con sông Cái xuôi dòng theo đường Lò O, mà có người còn gọi là đường Lồ Ô. Nguồn nước đã từ đây xuất phát, sau đó nước tức tưởi rẽ sóng ngưọc dòng theo con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đến Lầu Ông Tư, tạo thành Xóm Cồn, phía trước mặt là dòng sông xanh, chảy ồ ạt ra cửa biển. Phía sau Xóm Cồn là đại dương mênh mông, xa tít mù khơi…

Phía hữu ngạn của dòng sông Cái, không biết lưu lượng của dòng chảy đã hình thành như thế nào, mà tại cây cầu gỗ, chỗ nhà ông Tư Dẹo bán củi, đã hoàn thành một bãi cát rộng mênh mông, diện tích to bằng năm, bảy sân vận động, đủ chỗ để cho chúng tôi bơi ra đó nô đùa, gọi là Cồn Giữa, để chia phe đá banh, tranh giải với nhau.

(1* Xin đọc thêm Cồn Giữa trong Hang Động Tuổi Thơ)
Tôi còn nhớ rất rõ, những đêm tối trời, chúng tôi thường tập trung dưới góc me, giữa Dình Xương Huân, ngồi sát sạt bên nhau, để nghe kể chuyện ma kinh dị cho nhau nghe. Phía con gái, có đứa khiếp sợ, năn nỉ đừng kể chuyện con ma da chết đuối, xõa tóc, ngồi khóc tỉ tê, bên bờ tre, môi miệng, tay chân run lập cập vì đói lạnh, bởi năm nay, đến tháng này rồi, mà chưa có đứa con gái nào chết trôi để thay thế cho nó.

Có đứa tỏ ra hiểu biết hơn, giải thích thêm: “Nếu có đứa con gái nào chết đuối, để thay thế cho nó, thì hồn con ma chết đuối, sẽ được Thủy Vương cho về làm ma trên bờ, khỏi bị ở dưới nước, suốt ngày đêm, chờ kéó chân, đứa nào dám tắm gần chỗ nó chết!!
Nói đến đây, nó lại nhìn con Lọ Lem hỏi: – Mày đừng thế nó nghen Lọ Lem!”
Con Lọ Lem thất kinh hồn vía, nhảy bổ vào chính giữa hai chân tôi, run lập cập.
Có đứa còn quả quyết, chính anh Hai của nó, đã từng nghe thấy, tiếng khóc lanh lảnh của con ma da chết đuối, trong những đêm mưa gió, khi anh Hai nó đi xem hát Cải Lương khuya trở về nhà.
Có đứa sợ quá, ngủ thiếp dưới gốc cây me giữa Đình làng; mải miết cho đến khi mẹ gọi mới dám cùng mẹ trở về nhà.
Vào thời đó, trước những nam 1945, chúng tôi sáu tuổi mới được thu nhận vào lớp Đồng Ấu, trường Sơ Học Yếu Lược Bình Minh, để hy vọng hai năm sau, sẽ được thu nhận vào Trường Tiểu Học Pháp-Việt nằm trên đường Hàn Thuyên, đối diện với sân Quần Vợt.
Trường do thầy Nguyễn Văn Tâm và Ông Đốc Đoàn Thành làm Hiệu Trưởng.
Trường Nam Tiểu Học Nha Trang, nay là Trường Trung Học Phổ Thông Nguyễn Văn Trỗi.
Vào những năm đầu tiên, khi mới thành lập Trường Tiểu Học Pháp -Việt, nam sinh và nữ sinh học chung với nhau tại trường này.
Nhưng hồi đó, phía con gái chỉ có lưa thưa mấy đứa, được cha mẹ cho đi học như chị Vinh Xóm Cồn, Chị Tùng, con thầy Quyết, chị Liên con thầy Đốc Tế và chị Hoa, con ông Thú Y Sĩ Bạch.
Còn phần đông con gái hồi đó, chỉ học để biết viết, biết đọc chữ Quốc Ngữ, thì bị ở nhà giữ em, hay phụ cha mẹ làm công việc nội trợ.
Sau đó, Trường Nữ Tiểu Học Nha Trang được thành lập, trên đường Hai Bà Trưng, phía sau trường Nam.
Trường Nữ Tiểu Học Nha Trang, nay là cơ sở của TrườngTrung Học Phổ Thông Bán Công Chu Văn An.

Vào những năm 1945, một phần vì chiến tranh Pháp – Nhật, tiếp sau đó là chiến dịch ‘tiêu thổ kháng chiến’ chống Pháp, nên phần đông cư dân thành phố đều tản cư, rời xa phố thị để về thôn quê, tránh bom đạn.
Do đó, học sinh đều bị tản cư theo cha mẹ, mà việc học hành rất trễ nải.
Thậm chí có đứa vì theo cha mẹ đi tản cư, cho mãi đến 9 – 10 tuổi, có đứa mới được thu nhận vào lớp Năm (lớp 1 ngày nay); bằng cách lập lại ‘Chứng Thư Thay Thế Giấy Khai Sinh, vì bản chính thất lạc hay bị tiêu hủy trong thời kỳ chiến tranh’; với mục đích để hạ tuổi thấp xuống, cho phù hợp với điều lệ học đường, do Nha Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục Cao Nguyên Trung Phần ấn định thủ tục thu nhận học sinh.
Cái học ‘ngu dân’ của thời kỳ Pháp thuộc, muốn đào tạo người đi học, chỉ sẽ trở thành công bộc cho chính phủ Pháp, nên đã kiềm hãm, gây khó khăn và trở ngại cho học sinh.
Những năm đó, bậc Tiểu Học, gôm có 6 lớp:
Lớp Năm, (lớp 1 ngày nay) Lớp Tư, Lớp Ba, Lớp Nhì Nhỏ, Lớp Nhì Lớn và Lớp Nhất. (lớp 5 ngày nay)
Tuổi nhập học qui định 8 tuổi mới được vào lớp Năm, cộng thêm 6 năm bậc Tiểu Học, vì vậy khi tốt nghiệp Văn Bằng Tiểu Học, thì anh nào chị nấy cũng đã tròn trèm 14 – 15 tuổi rồi.
Đó là những anh chị em học sinh giỏi, không bị ở lại lớp hoặc bị thi rớt Sơ Học Yếu Lược.
Rào cản của Văn Bằng Sơ Học Yếu Lược đã làm cho học sinh bị chậm lại vì học sinh phải đương đầu với năm học Lớp Ba; vì cuối năm 1ớp Ba, học sinh phải đậu cho được bằng Sơ Học Yếu Lược mới được nhận vào Lớp Nhì Nhỏ.
(Hiện nay anh Nguyễn Công Thuần, còn cất giữ đủ các Văn Bằng Sơ Học Yếu Lược, Văn Bằng Tiểu Học, Văn Bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, Chứng Chỉ Tú Tài 1 và Văn Bằng Tú Tào 2. Anh Chị Em nào muốn tham khảo xin tham khảo với anh Nguyễn Công Thuần.
Anh Thuần ơi, tha lỗi về tội mách lẻo của tôi.)
Học sinh nào rớt Sơ Học Yếu Lược phải ra trường Tư Thục, để được nhồi nhét thêm một năm lớp Ba nữa, để năm sau thi lại Văn Bằng Sơ Học Yếu Lược.
Cần nói thêm, trong các môn thi Văn Bằng Yếu Lược, mà tôi còn nhớ là có một bài thi viết Chính Tả tiếng Pháp và một bài Toán Đố cũng bằng tiếng Pháp.
Cần nói thêm, thuở xa xưa đó, ở thôn quê, ai đã đậu được Văn Bằng Sơ Học Yếu Lược, cũng có thể được Làng Xã cho giữ chức Hương Bộ, để làm Giấy Khai Sinh, Giấy Khai Tử, hoặc Giấy Kết Hôn; vì hồi đó các loại giấy tờ này, đều được viết bằng tay vì máy đánh chữ chưa phổ cập nhiều trong dân chúng.
Cũng có một số người vì nhu cầu công vụ hoạc giáo dục cũng được tuyển vào làm Tùy phái, Giáo viên ở các Tông, Huyện với ngạch lương Hương Sư Phụ Khuyết, Giáo viên Ấp Chiến Lược, Tuỳ phái phụ khuyết với trật lương C3 (Phụ Khuyết) Lương độc thân vào năm 1965 là 900 đồng. Vợ hay chồng cộng thêm 100 đồng. Con mỗi đứa 50 đồng.
Trật khế ước C3 được ký lưu dụng hằng năm khi còn có nhu cầu công vụ.
Cuối năm Lớp Nhất, học sinh phải thi lấy Bằng Tiểu Học.
Và học sinh nào đậu được Văn Bằng Tiểu Học, mới được vào Trường Trung Học Công Lập.
Cần nói thêm, vào những năm đó, Văn Bằng Tiểu Học cũng đã có giá trị tương đối, nếu được tuyển dụng vào công chức, cảnh sát, giáo viên … được xếp ngạch công chức công nhật B3. Ngạch này cũng được lưu dụng hàng năm với trật lương độc thân, hàng tháng 2.100 đồng. Người phối ngẫu 300 đồng và mỗi người con 200 đồng mỗi đứa.
Hồi đó, mỗi một công chức hay quân nhân chỉ được hưởng phụ cấp gia đình đến 5 con. thôi. Cho mãi đến năm 1972, nếu sinh ra bao nhiêu con cũng đưọc hưởng phụ cấp.
Người có bằng Tiểu Học, khi đi làm được gọi là Thầy Ký (Thư Ký).
Còn người có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp khi đi làm được gọi là Thầy Thông (Thầy Thông Ngôn, Thông Dịch).
Đậu Tú Tài được gọi là Cậu Tú, khi đi làm được gọi là Thầy Phán (Thầy Tham Phán).
Những làng có nhiều ruộng như Thái Thông, Tứ Thôn Đại Điền, người có bằng Tiểu học trở lên, được hưởng công điền hạng nhất, và được ra khỏi danh sách ‘tráng đinh’ và được miễn trừ làm tạp dịch công ích cho làng.
Còn ruộng Thượng hạng được dành riêng cho các Cửu Phẩm và ưu tiên cho giòng họ Nguyễn Phước (Công Tằng, Công Huyền, Vĩnh, Bữu…).
Lệ này đến năm 1956, không còn nữa.
Trước 1945, nhiều làng phải đem lộng, cờ trống, ra tận đầu làng, rươc người đậu bằng Tiểu Học về Đình làng, để ra mắt và cúng bái Thần Hoàng.
( Vì không còn có tài liệu để tham khảo, nên tôi chỉ tường trình theo trí nhớ mơ hồ của Người Cổ Tích. Nếu có điều gì không đúng, mong được tha thứ.)o
Tại Nha Trang, cho mãi đến niên khóa 1952 – 1953, mới có một trường Trung Học Công Lập Võ Tánh đầu tiên tại đường Bá Đa Lộc Nha Trang, do thầy Lê Tá làm Hiệu Trưởng.
Trước đó, cũng co một trường Trung Học Công Lập gọi là College Francais de Nhatrang, được thành lập năm1947, dạy đến lớp Đệ Tứ Niêm. (lớp 9 ngày nay)
Cả Đệ Nhất Niên (lớp 6 ngày nay) đến Đệ Tứ Niên (lớp 9 ngày nay.).
Sĩ số học sinh lúc khai giảng niên khóa đầu niên, khoảng 30 học sinh, do thầy Đốc Như làm hiệu Trưởng và thầy Điểm làm Giám Thị.
Học sinh thời đó có anh Nha, thầy Nguyễn Đức Minh, anh Bùi Cảnh, Anh Đinh Viết Lãng, bác sĩ Bùi Thiều, anh Ngọ, anh Phước … hình như cũng còn có chị Minh-Thư, chị Tuý Hoa (con ông Đông Quan) và Chị Minh (con gái ông cai trường College de Nha Trang) nữa…
(*Anh Chị Em nào còn nhớ, làm ơn cho tôi biết thêm chi tiết, để tôi bổ túc vào bài viết này, vì các em thế hệ sau, nếu muốn tham khảo thêm cũng có tài liệu để tham khảo.
Xin gỏi về Phamduyxuyen@hotmail.com hay điện thoại 253 475-3852. Đa tạ.
Đến năm 1952, College Francais de Nhatrang được sát nhập vào Trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang.
Trường Trung Học Tư Thục Kim Yến được thành lập từ năm 1936, ơ đường Lê Lai. để học sinh Nha Trang khỏi phải ra Huế hay Qui Nhơn để đi học.
Năm 1945, Kim Yên đóng cửa cho mãi đến niên khóa 1952-1953, Kim Yến mơi mở lại do ông Đốc Như làm Hiệu Trưỏng.
Học sinh thi đậu Văn Bằng Tiểu Học và phải trúng tuyển kỳ thi Tuyển Học sinh vào lớp Đệ Thất, do Trường Trung Học Võ Tánh tổ chức mới được thu nhận vào Trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang.
Học sinh thi rớt Tiểu học và học sinh không trúng tuyển Lớp Đệ Thất (lớp 6 ngày nay), ài muốn năm sau, được dự thi vào lớp 6 của Trường Công Lập Võ Tánh, phải tìm các lớp Tiếp Liên hoặc các lớp Luyện Thi Đệ Thất để năm sau mới hy vọng vào được Trường Công Lập Võ Tánh.
Hồi đó, các học sinh tại Ninh Thuận (Phan Rang) và Phú Yên (Tuy Hòa) phải về Nha Trang, để thi vào Lớp Đệ Thất, hay Trung Học Đệ Nhất Cấp, Tú Tài bán phần và Tú Tài Toàn Phần (Tú Tài 2) phải về Nha Trang để dự thi.
Trường Trung Học Võ Tánh và Trường Nữ Trung Học Huyền Trân Nha Trang là hai trường nổi danh nhất miền Trung, Trung Phần.
Vào những năm sơ khai đó, tại Nha Trang chỉ có hai trường Tư Thục bậc Tiểu học:
1/ Tư thục Tiểu Học Hóa Khánh, được thành lập năm 1934, nằm trên gốc đường Trần Quý Cáp và Lê Thành Phương, đối diện rộc Rau Muống và gần rạp chiếu bóng Tân Tiến, còn gọi là rạp hát Cô Hai.
Trường Hóa Khánh do Thầy Trực làm Hiệu Trưởng, với sự cộng tác nhiều năm của Thầy Trần Văn Lộc, dạy lớp Tiếp Liên và Luyện Thi vào Đệ Thất.
Sau niên khóa 1952-1953 tại Nha Trang và các vùng phụ cận, đã có nhiều nơi tổ chức giảng dạy các lớp luyện thi vào Đệ Thất nhưng tại trường Tiểu học Hóa Khánh là nơi có số học sinh theo học đông nhất vì nơi đây nổi tiếng là có số học sinh thi đậu vào Đệ Thất Võ Tánh đông nhất.
Ngoài ra, tại tư gia Thầy Lương Tắc, trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng có lóp Luyện Thi vào Đệ Thát Võ Tánh, do thầy Lương Tắc giảng dạy.
Thầy Bổng cũng có một lớp Luyện Thi vào Đệ Thất trên đường Quốc Lộ 1, tại nhà chị Long Ái.
Thầy Nhơn (Pháp Văn) cũng có một lớp Luyên Thi Đệ Thất tại nhà Thầy Phạm Văn Thanh ở Phường Củi.
Cũng có thể còn nhiều nơi khác, nhưng tôi không nhớ rõ lăm.
Trường học Hóa Khánh tuy bàn ghế thô sơ, cũ kỹ nhưng tấm lòng khoan dung, rộng lượng của Thầy Trực, đối với học sinh nghèo trả chậm học phí. Thầy luôn châm chế cho các học sinh nghèo này.
Tôi cũng không thể nào quên được mùi chuối chiên của cô Hiệu Trưởng trong giờ ra chơi với chè đậu đen thơm phưng phức đến đầu lưỡi, răng môi.
Các thế hệ sau tôi nhiều năm, còn được hưởng mùi thơm của nem nưởng, phảng phất hương vị thơm ngon của Quán Nem Ninh Hòa, sát bên cạnh trường Hóa Khánh, hòa với mùi cà phê rang thơm phức bên kia đường của tiệm Cà Phê Hương.
Trường Sơ Học Yếu Lược, đầu tiên của Thành Phố Nha Trang là Trường Sơ Học Yếu Lược Bình Minh, nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, đối diện với Trung Tâm Cải Huấn Nha Trang. Hiệu trưởng do thầy Nguyễn Hạnh đảm trách, với sự cộng tác lâu năm của Thầy Tám Cường. Mãi về sau này, có thêm thầy Truyền tham gia giảng dạy.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì Trường Sơ Học Yếu Lược gồm có 5 lớp.
Lớp Đồng Ấu, (Child-Care) lớp Dự Bị, (Pre-School) lớp Năm, (lớp 1) Lớp Tư (lớp 2 ngày nay) và Lớp Ba.
Cuối năm học lớp Ba, học sinh cũng phải nộp đơn thi Văn Bằng Sơ Học Yếu Lược tại Trường Tiểu Học Pháp Việt Nha Trang.
Học sinh thi đậu Văn Bằng Sơ Học Yếu Lược được vào học lớp Nhì Nhỏ tại Trường Nam Tiểu Học Pháp Việt.
Riêng các học sinh thi rớt, muốn học lớp Nhì Nhỏ phải chuyển lên Trường Tiểu Học Tư Thục Hóa Khánh, vì Trường Sơ Học Yếu Lược của Thầy Nguyễn Hạnh, chỉ được phép dạy đến lớp Ba mà thôi.
Tôi cũng như các trẻ em trong xóm, phần đông đi chân không, đầu trần, bọn trẻ chúng tôi rủ nhau hớn hở cấp sách rảo bước đến trường, mỗi ngày hai buổi, nghêu ngao tập đánh vần.
Tuổi thơ đã cho tôi những chuỗi ngày tươi mát, bên mái ấm gia đình. Thời niên thiều, cũng trôi dần theo thời gian…

Duy Xuyên
Tacoma