NGHIÊN CỨU

Khía Cạnh Tâm Lý của Thơ Hồ Xuân Hương

BS Nguyễn Đức Phùng

Sau ngày 30 / 04 /1975, chúng ta đã chứng kiến một sự thay đổi lớn lao, một sự thay đổi đột ngột, đảo lộn triệt để từ dưới lên trên từ trong ra ngoài, không phải cho một người, một nhóm người mà là cho cả nước, cả một dân tộc. Sự thay đổi quá sức nhanh chóng làm mọi người hoảng hốt, bận rộn đối phó với hoàn cảnh để sống còn. Trong một bối cảnh hỗn loạn náo nhiệt quay cuồng không kịp thở ấy, mấy ai có thì giờ nhàn rỗi để ngồi nhâm nhi ly cà phê, hồi tưởng cuộc đời để thấy thấm thía những kinh nghiệm của dân gian đã được ghi lại trong ca dao tục ngữ như câu:  “Trời làm một trận lăng nhăn, ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông ”Khi đã hoàn hồn sau cơn bão tố, cát buội đã lắng xuống, mặt trời đã ló dạng, nhìn cảnh hoang tàn trong tĩnh lặng, chúng ta thường cảm khái và bắt đầu lên tiếng, viết lách, như cây lá lại đâm chồi, cùng với hoa thơm và cỏ dại ở cả hai bên bờ đại dương.

Trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Việt hải ngoại, trên các sách báo ta đã thấy tràn ngập những tiếng thở than buồn thảm của người dân mất nước, những uất hận hào hùng của những chiến sĩ chưa được đánh xả láng một lần mà đã phải buông súng đầu hàng, những hận thù nghi ngút, những ước mơ cường điệu vớt vát như ngọn đèn hết dầu bùng lên trước khi tắt ngấm.

Có người dùng thơ để chửi bới đối phương cho đỡ tức. Có người chửi xéo, chửi xiên. Có người chửi thẳng, kêu đích danh kẻ thù ra mà chửi, và chửi thật tục tiễu, như nhóm thơ chua, thơ đắng và thơ gai. Dù tục tiễu, dơ dáy thế nào đi nữa, thơ ấy vẫn có người thưởng thức, vì bá nhân bá tánh, vì một trăm người tục một chục người thanh, vì hận thù và những bản năng tục tiễu lúc nào cũng có sẵn trong người chúng ta và nhất là ít hay nhiều, mỗi người trong chúng ta đã là nạn nhân của thời cuộc.

Bên kia bờ đại dương, vì không có tự do báo chí, nên khó mà thấy được nỗi lòng của người dân qua văn nghệ phẩm. Nhưng sức sống, sự phản kháng và thích ứng với hoàn cảnh bất lợi của một dân tộc, luôn luôn lúc nào cũng có đó và rất linh động dưới nhiều hình thức. Một trong những hình thức đó là văn chương truyền khẩu, qua ca dao, tục ngữ, vè, những câu thơ, bài hát ngắn, và những chuyện cười tiếu lâm. Thí dụ như bốn câu thơ ngắn sau đây:

 

” Ra đường chẳng biết yêu ai

Yêu anh bộ đội có hai quả mìn

Chính giữa là cái đèn pin

Chung quanh là những dây mìn đen thui ”

 

Nghe xong bài thơ, phản ứng đầu tiên là cười, cười thật to và thật thoải mái, như có cơ hội xổ ra được những ấm ức trong lòng. Cười xong thấy nhẹ nhỏm cả người, thấy mọi việc đều dễ dãi, không có gì phải khó khăn cho người và cho mình, nghĩa là cái gì cũng có thể tha thứ được!

Nhưng sau đó ta lại thấy có một cái gì u uất trong lời thơ. Đấy là lời của một cô gái ở lứa tuổi đôi mươi, tuổi của yêu đương và mơ ước. Nhưng có gì đâu để mà mơ ước trong xã hội thời ấy. Chung quanh chỉ có một đối tượng duy nhất là bộ đội, trong một xã hội nghèo nàn, mất tự do và thiếu sinh khí. Tất cả đều vận hành theo mệnh lệnh và khuôn mẫu của đảng và nhà nước, theo kiểu nhà binh, và nhất là những áp lực tinh thần, u ám, nặng nề khó thở của một một bộ máy tuyên truyền nhồi sọ và quản lý kiềm kẹp, tạo ra một sự nghi kỵ và giả dối đáng sợ vô cùng!, vào khoảng giữa 1975 và đầu thời kỳ đổi mới, trước khi đảng cộng sản Liên xô và các nước cộng sản Đông âu tan rã.

Người con gái đã thấy hình ảnh anh bô đội là sự tượng trưng cho chế độ ( symbolism ), đã đồng hóa anh với chế độ ( Identification ). Có lẽ vì ghét chế độ, nên nàng đã đổ cả lên đầu anh, như kiểu giận cá chém thớt ( displacement ), bằng cách đồng hóa anh với bộ phận sinh dục, tức là đã hạ giá trị của anh ( devaluation ), gián tiếp là làm xấu chế độ. Nhưng làm như thế nàng đã thấy bất nhẫn đối với anh bộ đội, hoặc là sợ bị chụp mũ là phản động, nên nàng chuyển sang hình ảnh cái đèn pin (another diaplacement ), cuối cùng là đưa đếán một cái cười thoải mái, hài hước ( humor ), sau khi đã đá giò lái chế độ, thật là thâm!

Người con gái nói riêng và đám quần chúng nói chung, đã đối phó với hoàn cảnh bất lợi của một chế độ mà họ không muốn, bằng một loạt những cơ chế tâm lý như trên.

-HÀI HƯỚC ( humor ):Hài hước khéo léo để đối phó với hoàn cảnh bất lợi cho mình là một cơ chế tự vệ trưởng thành nhất. Hài hước ở đây khác với cái cười xã giao trên đầu môi chót lưỡi, khác với cái cười phản xạ trước khi nói, cũng khác với cái cười nhếch mép, cái cười băng khoăn khắc khoải của các nhân vật trong truyện của Nhất Linh, mà là cái cười hóa giải, làm các lực đối kháng nhau bỗng nhiên không còn là đối thủ của nhau nữa. Chủ thế không còn là bãi chiến trường cho các thế lực đối nghịch tác hại nữa. Nhờ phát ra được tiếng cười hài hước mà cô gái kia cũng đã bớt buồn cho số phận, anh bộ đội nghe xong cũng cười xòa dễ dãi và thông cảm, biết đâu chế độ cũng đã thay đổi dễ thở hơn vì cái cười hài hước đó!

HỒ XUÂN HƯƠNG:

Trong thi ca Việt nam, Hồ xuân Hương là một nữ sĩ rất đặc biệt. Mặc dù thơ văn và tên tuổi của bà đã không được đem ra giảng dạy chính thức , trịnh trọng ở bậc trung học như truyện Kiều của Nguyễn Du , Chinh phụ ngâm của Đoàn thị Điểm, bà huyện Thanh Quang.v.v nhưng quả thật thơ văn và tên tuổi của bà đã là một huyền thoại của văn học Việt nam.

Người ta đã viết khá nhiều về thơ văn của bà , hầu hết đều có những nhận xét sau đây:

– Ám ảnh tình dục, tục tiễu và lả lơi.

– Thơ của bà hay, đơn giản, không dùng chữ văn hoa cầu kỳ, khách sáo và điển cố.

– Có tính cách mạng và can đãm, có một không hai trong thi ca Việt nam. Một loại thơ như vậy đã xuất hiện cách đây 200 năm, tác giả lại là một phụ nữ mà dám nói đến những điều cấm kỵ trong một xã hội cực kỳ nghiêm chỉnh với lễ giáo Khổng Mạnh, với thành kiến, luân lý, phong tục tập quán, đố kỵ với tình dục, sợ cái đó như sợ tà!

Người khen cũng nhiều mà người chê cũng không ít. Một cách tổng quát là có thán phục, trầm trồ khen ngợi văn tài của bà, nhưng không quên kèm theo những lời dè dặt và ái ngại vì có quá nhiều khiêu gợi dục tính. Có người đã dùng phân tâm học của Freud để phân tích, cho rằng sự bất mãn về tình duyên và sự khao khát dục tình đã làm nàng bị bịnh thần kinh! “ Sự bất mãn ấy có thể kết cấu ra chứng bịnh để thay thế cho cái vui thú không liễu kết. Xuân Hương không thỏa thích dục vọng ắt mang lấy bịnh thần kinh…Xuân Hương cùng đường lắm nhưng không mất cả lý trí là nhờ nàng lấy thơ làm tâm phúc, đem bao tâm sự không thỏa mãn gởi cả cho thơ, trong lúc ngao du thưởng ngoạn các danh sơn cổ tích..” ( Hồ xuân Hương, tác phẩn, thân thế và sự nghiệp, của Gs Nguyễn văn Hạnh, do nhà Đại Nam xuất bản )

Với một tấm lòng ái mộ người thơ, để thành kiến qua một bên, phá chấp, tôi thử nghiên cứu lại thơ của bà, lấy lòng của hậu thế để tìm hiểu người xưa đây.

THÂN THẾ và THƠ VĂN

Bà sinh ra ở Hà Nội, cạnh Hồ tây, vào cuối đời hậu Lê. Nghe nói là bà có họ hàng với Quang Trung đại đế, cùng vai vế đời thứ 12 của dòng họ Hồ ở Nghệ An, và trước đó là Trạng nguyên Hồ tôn Thốc, vào khoảng cuối đời Trần, người đã làm miếu thờ Hạng Võ hết linh. Trên đường đi sứ sang Tàu, trước khi qua một khúc sông, ông thấy mọi người phải vào miếu lễ bái vì sợ hồn ma Hạng Võ nổi sóng gió nhận chìm tàu. Ông nổi giận dán bốn câu thơ trên bài vị bàn thờ:   “Quân bất quân hề, thần bất thần, như hà miếu mạo tại Giang Tân. Giang Đông tích nhật do hiềm tiểu, hà tất thiên tiêu bách vạn cân.” ( Vua chẳng phải vua, thần chẳng thần, cớ sao có miếu tại Giang Tân. Giang Đông một giải xưa chê nhỏ, nay tiếc tro tàn mấy vạn cân!). Từ đó miếu không còn linh thiêng nữa. Và cũng cùng họ hàng với Hồ quí Ly, người cướp ngôi nhà Trần, lập ra nhà Hồ trong một thời gian ngắn ngủi.

Cùng họ Hồ và có gốc gát ở Nghệ an. Cha là Hồ phi Diễn, một ông Đồ, lấy mẹ nàng làm thiếp năm ông 70 tuổi, mười bốn năm sau thì ông mất, mẹ bỏ đi lấy chồng khác. Bà có thân hình cao lớn, da ngâm đen và mặt rỗ. Mặt rỗ và kém sắc có lẽ là do các cụ căn cứ vào bốn câu thơ tả quả mít ( Thân em như quả mít trên cây, vỏ nó xù xì, múi nó dày. Quân tử có thương thì đóng cọc, xin đừng mấn mó nhựa ra tay! ) nên không đáng tin cậy lắm. Theo tài liệu mới sau này thì bà rất đẹp, tên thật là Hồ phi Mai ( hoa mai bay trên hồ ). Hồi còn trẻ, bà và Nguyễn Du đã yêu nhau, nhưng vì thời cuộc, họ đã phải xa nhau để rồi sau này, sau khi đã làm quan cho triều Nguyễn Gia Long, Nguyễn Du có tìm găp lại thì bà đã có chồng rồi! Người anh em họ cùng thời của bà là Hồ sĩ Đống, đậu Hoàng Giáp, làm quan đến Hành tham Tụng, tước Quận Công, thời chúa Trịnh Sâm và Trịnh Khải. Bà nổi tiếng thông minh từ hồi còn rất trẻ, nhưng rủi thay, bà phải sống trong xã hội phong kiến, trọng nam khinh nữ, không cho đàn bà con gái đi thi và làm quan, cho nên bà đã phải chịu nghèo và không biết phải làm gì với cái tài thơ phú, ngoài chuyện dạy học , làm thơ cho mình và để đối phó với đời. Bà có lập ra hội Tao đàn và mở trường dạy học ở làng Cổ Nguyệt, gần Hà Nội.

Nghe nói là bà đã kén chồng, nhưng có lẽ vì già kén kẹn hom, nên cuối cùng bà đành phải lấy một ông thầy lang. Khi ông chết, có lẽ vì không yêu lắm, nên bà vừa khóc vừa giỡn ngầm một cách hài hước bằng cách dùng tên của những vị thuốc Bắc:  “ Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì, thương chồng nên khóc tỉ tì ti. Ngọt bùi thiếp nhớ mùi Cam thảo, cay đắng chàng ơi vị Quế chi. Thạch nhũ, Trần bì, sao để lại, Quy thân, Liên nhục, tẩm mang đi. Dao cầu, thiếp biết trao ai nhỉ ? Sinh ký, chàng ơi, tử ắc quy.” Sau đó bà lấy ông tổng Cóc. Có thể là cũng không yêu lắm, hoặc là vì quá yêu và quá đau khổ khi chồng chết, dù trong trường hợp nào đi nữa, bà đã đối phó với sự mất mát đó bằng một sự hài hước:   “ Hỡi chàng ơi! hỡi chàng ơi! Thiếp bén duyên chàng có thế thôi. Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé, ngàn vàng không chuột dấu bôi vôi!”

Sau đó bà làm lẻ ông phủ Vĩnh Tường. Được ba năm thì ông phủ mất. Lần này thì bà có vẻ nghiêm chỉnh hơn, nhưng bà đã cay đắng, chua chát về cuộc đời làm lẻ của mình. Bà đã đem mình ra mà hài hước: “Năm thì mười họa nên chăng chớ, một tháng đôi lần có cũng không. Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng, cầm bằng làm muớn, mướn không công. Thân này ví biết dường này nhỉ, thà trước thôi đành ở vậy xong!”

Chúng ta đã không rõ cuộc tình nào trước, cuộc tình nào sau, cũng không chắc chắn lắm về ba cuộc hôn nhân với thầy lang, tổng Cóc và ông phủ Vĩnh Tường, Bài Bà Lang Khóc Chồng dường như là viết cho một bà lang nào đó chứ không phải viết cho chính mình. Còn ông Hoàng xuân Hãn thì bảo là chưa có tên phủ Vĩnh Tường vào thời đại đó, cho nên bài Khóc ông phủ Vĩnh Tường không phải là của Hồ xuân Hương mà là của một người nào đó. Nhưng qua sự phân tích tâm lý như trên, ta có thể hiểu được tâm hồn của bà trong lúc đó, nếu đó là sự thật.

Ngoài ba cuộc hôn nhân được biết đến ấy, còn lại là những huyền thoại có tính lãng mạn giữa bà và Chiêu Hổ, một văn nhân có tài. Họ đã để lại những vần thơ biểu lộ sự nhanh trí, thông minh và hài hước, trong đó sự hài hước là chính, để hóa giải những thế kẹt, những thách đố và trách móc của nhau. Ví dụ như khi Chiêu Hổ trổ mòi dê xòm, bà bảo:   “Anh đồ tỉnh anh đồ say, sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày. Này này chị bảo cho mà biết, chốn đó hang hùm chớ mó tay.” Chiêu Hổ không chùn bước, tay tiếp tục mần tới, miệng thì nói:   “ Nào ai tỉnh nào ai say, nào ai ghẹo nguyệt giữa ban ngày. Hang hùm ví chẳng thò tay được, sao có hùm con bỗng chốc tay!”  Hay khi bị Chiêu Hổ hứa lèo, hứa cho mượn năm quan nhưng chỉ đưa có ba quan, bà trách móc với một chút ý xuyên tạc:   “Sao nói rằng năm lại có ba, trách người quân tử hẹn sai ra. Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt, nhớ hái cho xin nắm lá đa.”   Chiêu Hổ cũng chẳng vừa, vừa giả vờ mắng lại vừa hài hước:   “ Gián thì năm, quí có ba, bỡi người thục nữ tính không ra. Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt, cho cả cành đa lẫn củ đa!”

Sau đó Chiêu Hổ thi đậu ra làm quan, có vợ đẹp, con ngoan và đã tìm đủ mọi cách xa lánh bà để khỏi mang tiếng xấu. Có khi ông ta còn làm nhục bà, cay cú khi bà lân la đến gần, ông ta đã nói một cách trắng trợn rằng:   “ Nay đã mần cha thằng xích tử, rày thì đụ mẹ đứa hồng nhan.”

Dường như bà cũng bị đàm tiếu và dị nghị do hoàn cảnh không chồng mà có nhiều người lui tới. Có thể chỉ là thuần túy trong tình văn nghệ, cũng có thể là cả hai, do cảm nhau vì tài, như trường hợp ông quan hậu bổ nọ. Ông ta hay đến xướng họa thơ văn rồi say mê bà , nhưng lúc nào cũng ngơm ngớp lo sợ bà vợ bắt gặp. Bà đã chế diễâu ông:   “ Tình cảnh ấy nước non này, dẫu không Bồng đảo cũng tiên đây. Hoành sơn mực điểm đôi hàng nhạn, Thúy lĩnh đen trùm một thức mây. Lấp ló đầu non vừng nguyệt chếch, phất phơ sườn núi lá thu bay. Hỡi người quân tử đi đâu đó, đến cảnh sao mà đứng lượm tay .”

Sau đó bà bỏ đi du ngoạn nhiều nơi, qua nhiều hang động, chùa chiền, danh lam thắng cảnh. Đi đến đâu bà làm thơ đến đó.

– Qua đèo Ba Dội: Bà tả cảnh đèo:  “ Một đèo, một đèo lại một đèo, khen ai khéo tạc cảnh cheo leo. Cữa son đỏ hoét tùm hum nóc, hòn đá xanh rì lún phún rêu. Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc, đầm đìa lá liễu giọt sương gieo. Hiền nhân quân tử ai mà chẳng, mỏi gối chồn chân cũng muốn trèo.”

– Hang Cắc Cớ:  “Trời đất sinh ra đá một chòm, nứt làm hai mảnh hỏm hòm hom. Kẻ hầm rêu móc trơ hoen hoẻn, luồng gió thông reo vỗ phập phòm. Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm, con thuyền vô ngạn tối om om. Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc, khéo hở hênh ra lắm kẻ dòm!”

– Hang Thánh Hóa:   “ Khen thay con tạo khéo khôn phàm, một đố dương ra biết mấy ngoàm. Lườn đá cỏ leo, rờ rập rạp; lách khe nước rỉ, mó lam nham. Một sư đầu trọc ngồi khua mõ, hai tiểu lưng tròn đứng giữ am. Đến mới biết rằng hang Thánh Hóa, chồn chân mỏi gối vẫn còn ham!”

Giữa cái khung cảnh âm u với hầm hố mốc meo ẩm ước, có khe nước rỉ, có cỏ gà quanh mép, lam nham tẹp nhẹp như vậy mà lại có một sư đầu trọc ngồi khua mõ và hai tiểu lưng tròn đứng giữ am. Thật là hài hước vô cùng, ai mà không cười cho được chứ!

Nếu cách tả cảnh của bà đã làm ta nhìn cảnh này mà nghĩ đếán cảnh kia, nhìn cảnh đèo, hang hốc mà lại nghĩ đến một chỗ kín của đàn bà con gái, nhìn ông sư đầu trọc cùng với hai chú tiểu lưng tròn lại nghĩ đến bộ đồ lòng của đàn ông con trai , là bà đã đồng hóa( Identification ) cái này với cái kia. Nhờ đó bà đã dục tính hóa( Sexualization ) được cái đèo, cái hang kia hốc nọ, ông sư và chú tiểu, những cái ấy vốn là không có dục tính. Hai câu thơ sau cùng của ba bài thơ trên là một cách chửi xéo cả một lũ đàn ông thời ấy nói chung, và những người đã coi thường phụ bạc bà như Chiêu Hổ nói riêng chẳng hạn. Nghĩa là bà đã hạ giá trị của họ ( Devaluation ) xuống ngang hàng với cái đó của quí bà! Gián tiếp là bà đã nâng cao giá trị đàn bà lên ( improved self esteem), cái giá trị đã bị chèn ép bất công qua bốn câu thơ của bài Đồng tiền hoẻn:  “Cũng lò cũng bễ, cũng cùng than, mở mặt vuông tròn với thế gian. Kém cạnh cho nên mang tiếng hoẻn, đủ đồng ắt cũng đóng nên quan.”  Cùng một ý nghĩa như vậy qua các bài thơ: Chùa Hương, Thiếu nữ ngủ ngày, Cái quạt giấy .v.v..

– Chùa Quán Sứ: Thấy cảnh chùa vắng vẻ, bà nghĩ ngay là mấy ông thầy không có lo tu hành gì đâu, mà chỉ lo hú hí với gái ở đâu đó. Đấy cũng là cách làm mất giá trị của giới đạo đức tu hành. Rồi bà quay ra thương hại mấy bà vãi, có đủ đồ đủ đạc, mà lại bỏ mốc meo không dùng đến. Thật ra đấy là bà đã tự thương cho số phận của mình ( self pity ):   “ Quán sứ sao mà cảnh vắng teo. Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo ? Chày kình tiểu để suông không đấm, tràng hạt vãi lần đếm lại đeo. Sáng banh không kẻ khua tang mít, trưa trật nào người móc kẽ rêu. Cha kiếp đường tu sao lắt léo, cảnh buồn thêm ngán nợ tình đeo.”

– Khi qua đền Trấn Quốc, nhìn cảnh điêu tàn hoang phế, bà cảm khái:   “Người xưa cảnh cũ nào đâu tá, khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu.” Rõ ràng là bà rất coi thường giới tu hành đạo đức, và bà còn đem họ ra để hài hước nữa:   “ Chẳng phải Ngô, chẳng phải ta, đầu thì trọc lóc, áo không tà. Oản dâng trước mặt đôi ba phẩm, vãi mọp sau lưng bảy tám bà. Khi cảnh, khi tiu, khi chũm chọe, giọng hì giọng hỉ giọng hi ha, tu lâu có lẽ lên sư cụ, ngất ngưởng tòa sen nọ đó mà!”

Nói cho cùng, theo ý bà thì ông nào cũng vậy, cũng cá mè một lứa, từ vua đến quan, hiền nhân quân tử, cả đến thầy tu đầu trọc cũng đều ham mê tình dục, tượng trưng là cái âm nhu của đàn bà. Mà bà là đàn bà, cho nên nói ra được điều ấy qua những lời thơ hài hước có lẽ đã làm bà lên tinh thần lắm, và có thể hạ nhục được đối phương mà đối phương không hay biết gì.

Bà cũng không dấu diếm gì cái tâm sự sâu kín trong lòng là bà vẫn còn ham sống, khoắc khoải được yêu đương. Bà đã chờ đợi và chờ đợi mãi một người , một người trong mộng, đến oán hận và mỏi mòn:  “Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom, oán hận trông ra khắp mọi chòm. Mõ thảm không khua mà cũng cốc, chuông sầu chẳng đánh cớ sao ôm ? Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ, sau giận vì duyên để mõm mòm. Tài tử, văn nhân ai đó tá, thân này đâu đã chịu già tom.”  Lòng yêu hay dục tính không lối thoát đó đã được chuyền qua trong thơ ( displacement ) biểu hiện nhan nhản trong tất cả thơ văn của bà, bằng chứng là trong những bài không có ý tự vệ hay đối phó gì với đàn ông, và với xã hội, nhưng bà đã đã dục tính hóa tất cả, như bài Dệt vải, Đánh cờ, Đánh du, Tát nước .v.v.. Lấy thí dụ bài Tát nước:  “ Đang cơn nắng cực chửa mưa tè, rủ chị em ra tát nước khe. Lẻo đẻo chiếc gàu ba góc chụm, lênh đênh một ruộng bốn bờ be. Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa, nhấp nhỏm bên bờ đít vắt ve. mải miết làm ăn quêân cả mệt, dạng hang một lúc đã đấy phè!”

Theo tài liệu mới sau này thì bà còn lấy chồng một lần cuối nữa, làm thiếp cho quan Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần phúc Hiển. Bà bỏ đi tu sau khi ông này bị vua Gia Long giết vì bị tố cáo tham nhũng. Bà chết ba năm sau đó., thọ 51 tuổi., mộ chôn ở làng Nghi Tàm Hồ Tây.

KẾT LUẬN: Tóm lại, thơ văn của bà có hai khuynh hướng:

– 1: Tự vệ, đối phó với hoàn cảnh bất lợi bên ngoài của mình, nói riêng và của phụ nữ nói chung, về những thất bại, thua thiệt về tình cảm và địa vị xã hội, bằng hài hước ,bằng cách hạ giá trị của đàn ông, giới mệnh danh là trí thức và đạo đức, qua những cơ chế tâm lý: Hạ giá trị của họ bằng cách đồng hóa họ với bộ phận sinh dục, hay kết dính họ với những cảnh vật bên ngoài, rồi đồng hóanhững cảnh vật đó với bộ phận sinh dục để dục tính hóa những cảnh vật đó để đưa đến cái cười hài hước, nghĩa là bà đã trả thù được bọn đàn ông ï một cách an toàn qua hài hước.

– 2: Tự vệ và đối phó với những thôi thúc, khao khát, ám ảnh tình dục bên trong của chính mình, bằng cách chuyển nó sang những cảnh vật bên ngoài, rồi dục tính hóa nó để đưa đến cái cười hài hước, nghĩa là tình dục đã có chỗ thoát an toàn.

Một người có tài, bị rơi vào một hoàn cảnh khá đau buồn, sống trong một xã hội quá bất công cho mình và cho phụ nữ về mặt tình cảm và địa vị xã hội, bà đã tự vệ, đối phó và phản kháng bằng hài hước. Sự hài hước đó đã giúp bà giải quyết được cả hai mục tiêu: Nội tâm và ngoại cảnh. Không phiền lòng ai! Bà không hề có một triệu chứng thần kinh hay điên loạn nào trong thơ văn của bà.

Trước đây đã có người nghĩ rằng có thể là không có một Hồ xuân Hương thật sự là tác giả những bài thơ trên, mà là tập hợp những bài thơ tục tiễu hài hước của nhiều người qua nhiều thời đại rồi gán cho Hồ xuân Hương nào đó, có lẽ là một cô gái không đứng đắn nhưng có chút tài về thơ vào cuối đời Lêâ, giống như huyền thoại về những chuyện tiếu lâm của ông trạng Quỳnh nào đó vậy. Sau này khi tìm được tập thơ Lưu Hương Ký, nghe nói là gồm những bài thơ của bà chép để lại thì lại không có những bài thơ truyền khẩu tục tiễu lả lơi như ta đã biết. Nhưng nếu ta hiểu như tôi đã phân tích, thì rõ ràng đó là tâm trạng của một người đàn bà trí thức, có tài, nhưng đã bị nhiều thua thiệt trong xã hội ngày xưa. Bà đã đối phó với với những vấn đề của nội tâm ( dục tính không lối thoát ), và phản kháng hoàn cảnh bất lợi bên ngoài một cách rất trưởng thành và trí thức đấy chứ!

Bác Sĩ Nguyễn Đức Phùng

Daytona Beach, Florida, March/14/98