VĂN

NHÀ VĂN LÊ VĂN HƯỞNG

Nam Thảo

Vào mùa hè năm 2005, tình cờ tôi được một người bạn từ Paris gời tặng cuốn chuyện tâm tình của một người lính tiếp vận với tựa đề Cuốn Phim Dĩ Vảng của nhà văn cựu Đại tá Lê Văn Hưởng.

Tôi đọc tới đọc lui quyển sách hấp dẫn dày trên 300 trang nầy và rất ngạc nhiên về tài viết lách của tác giả. Tôi không ngờ một vị sĩ quan cao cấp xưa kia ngày nầy qua ngày nọ lo chuyện cầm quân mà có tài viết văn hay như vậy. Sau nầy được dịp đọc thêm những tác phẩm khác của ông, tôi lại càng cảm phục ông. 

TÁC GIẢ        
     Trong Hội Ái Hữu Quân Nhu nói riêng và ngành Quân Nhu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung, hầu như ai ai cũng biết đến nhà văn Lê Văn Hưởng. Ông là một cựu Đại tá thuộc ngành Quân Nhu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
     Ông sanh năm ngày 4 tháng 2 năm 1927 tại Gia Định, Việt Nam. Ông là con trai của ông Lương Văn Hoanh và Cô Hai Kiêm. Cô Hai Kiêm là người vợ thứ của cha ông. Theo luật lệ ngày xưa, những người con của vợ thứ đều phải lấy họ mẹ. Cô Hai Kiêm có họ Lê, nên ông phải lấy họ Lê thay vì họ Lương là họ của cha ông.
     Ra đời trong một hoàn cảnh gia đình phức tạp, ông đã phải chịu cảnh mồ côi và trải qua một cuộc sống nghèo với đầy khó khăn, gian nan, chìm nổi.
     Từng là một học sinh tí hon 5 tuổi Lớp Chót của trường Phổ thông Bình Hòa, với sức thông minh và sự siêng năng, hiếu học, ông đã thi đậu vào trường Trung học Pétrus Ký vào năm 13 tuổi và tốt nghiệp Đại học luật khoa Sài-Gòn sau nầy.
     Năm 1951, ông gia nhập quân đội theo lệnh tổng động viên và là cựu sinh viên sĩ quan khóa 1 trường vỏ bị Thủ Đức. Ông được cử đi du học ngoại quốc nhiều nơi và mang cấp bậc Đại tá QLVNCH trước khi mất nước.

TÁC PHẨM 

Ông gặp may mắn thoát nạn Cộng Sản vào giờ thứ 25 và từ ngày định cư trên đất Mỹ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho đến nay, ông đã cho xuất bản được sáu văn phẩm vừa tiểu thuyết, hồi ký và truyện ngắn. Những tác phẩm của ông gồm có:

  • Cuốn Phim Dĩ Vãng – 2004
  • Đời Tỵ Nạn – 2005
  • Truyện Tình Thời Ly Loạn – 2007
  • Hành Trình Đến Bến Tự Do – 2009
  • Tuyển Tập Truyện Ngắn – 2010
  • Trên Nẻo Đường Quê Hương – 2012

Tôi có dịp đọc được cả sáu tác phẩm nầy của ông.Trong sáu tác phẩm của ông, ba quyển Cuốn Phim Dĩ Vãng, Đời Tỵ Nạn và Trên Nẻo Đường Quê Hương nói về cuộc đời “trần ai lai khổ” của tác giả dành cho con cháu để lớp hậu bối biết được cuộc đời của ông cha đã trải qua.

Còn ba quyển còn lại, tác giả đã dựa vào những chuyện có thật xảy ra ngoài đời để viết ra thành tiểu thuyết và chuyện ngắn, kể lại cho đọc giả giải buồn trong những ngày xa xứ nơi đất lạ quê người.

Có thì giờ rổi rảnh, tôi hay đọc đi đọc lại những tác phẩm của ông để tìm hiểu thêm về nghệ thuật viết văn, tâm tư, triết lý và kinh nghiệm đời của tác giả trong khi đặt bút viết ra những gì mà ông muốn để lại cho con cháu và người đời. Càng đọc, tôi càng thấy mến phục ông và buộc phải khen ông là một nhà văn có tầm vóc cao trong nhiều lãnh vực.

 

VĂN PHONG

Rặt Miền Nam

Tôi ngưỡng mộ ông và nhiều người ca ngợi ông vì văn phong của ông không rườm rà, hoa hòe hoa sói, không chải chuốt mượt mà, mơ mộng viển vong. Ông viết văn một cách thật tình, giản dị, bình thường nhưng sinh động và lôi cuốn. Ai đọc cũng thấy dể hiểu và thích thú. Cách dùng từ ngữ rặt miền Nam của ông giống như những nhà văn Nam kỳ Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Xuyên..

Cái chất văn miền Nam của nhà văn Lê Văn Hưởng không phải là “dùi đục chấm mấm nêm”, nhưng là những nét cao sang của dân Sài-Gòn hoa lệ, những hương vị vừa chua vừa ngọt của cây trái miền Tây và là những cảnh sắc trử tình ong bướm nhỡn nhơ với cỏ nội hoa đồng.

Ông đã tài tình dùng những ngôn từ nôm na, nhưng chứa đựng đầy ý nghĩa, khêu gợi tình quê, tình người. Đọc giả hải ngoại sống xa quê hương, xa những cảnh đồng chua nước mặn, không được nghe những tiếng nói của người dân quê mùa. Nhà văn Lê Văn Hưởng đã khéo léo làm thỏa mãn những đọc giả nầy bằng những lối viết văn mộc mạc đầy chất quê xưa chất phát của ông.

Nhà văn Lê Xuyên bắt đầu câu chuyện Chú Tư Cầu của ông bằng những lời văn quê tả thật như sau:

…Trời đã chạng vạng tối…

           Tư Cầu mới về tới nhà lấy thêm lúa cho vịt ăn. Nói chuyện bá láp một hồi mà trời sụp tối lúc nào không hay! Đến chừng nghe thiếm Hai má của anh ta hối, anh ta mới hay:

– Ủa Cầu, mày tính ở đây nói chuyện dần lân riết rồi không chịu đem lúa vô trổng hả! Bộ mầy không vô gom ba con vịt lại hả?

– Tui có gởi con Phấn nó coi chừng dùm rồi mà!

– Ừ gởi! Để tía mầy về ổng thấy ổng đả cho mầy một trận rồi mầy kêu trời!

– Thì đi đây nè…

           Tư Cầu chẳng nói chẳng rằng gì nữa hết, xốc thúng lúa lên nách bưng đi. Anh ta ghé qua mái nước múc một gáo uống ừng ực. Rồi như để trút nổi bực tức, anh ta hắt tẹt nước còn dư vào đám rau om, móc gáo vào cây đinh nghe một cái cộp, lấy tay quẹt miệng rồi bưng

thúng lúa thẳng ra bờ xẻo trước nhà.

           Để thúng lúa xuống xuồng vững vàng rồi Tư Cầu vừa nhổ cây sào vừa đưa chơn tống xuồng ra và chống sào cho xuồng đi vèo vèo trên mặt nước…

Đọc quyển hồi ký Trên Nẻo Đường Quê Hương (Chương 3: Tuổi Học Trò – Con chim bay nhãy) của nhà văn Lê Văn Hưởng, chúng ta thấy tác giả đã dùng một lối văn thật bình dân của giới thợ thuyền, xe cộ đối thoại với nhau. Văn cách bình dân miền Nam của ông đưa người đọc đi vào hiện thực của xả hội một cách tự nhiên, không cầu kỳ.

Tôi được nhét ngồi gần ông tài xế, nhờ đó có dịp xem chú đạp ga sang số, tôi phục chú quá. Chú vừa lái xe, miệng nói chuyện không ngớt, lúc chê người, lúc chửi thằng lơ (lớn hơn tôi 2 tuổi), lúc cằn nhằn hành khách trên xe:

  • Ngồi chật chút xíu bà con, cho tụi nầy kiếm chút cháo chớ!

Xe đã chật rồi, nếu có ai đón dọc đường là chú ngừng chở thêm. Thấy từ xa có một bà bưng thúng đón, chú tấp xe vô lề, thằng lơ lẹ làng từ trên nóc xe nhãy xuống, miệng nói liền đeo:

  • Bà Rịa, Cấp, Bà Rịa, Cấp…

Bà già được cho lên xe, hành khách la quá:

  • Chỗ đâu mà nhét vô nữa đây?

Có tiếng chú tài xế:

  • Ráng chật chút bà con ơi, chuyến nầy là chuyến chót!

Phần thằng lơ đứng dứi đất lo đóng cửa xe lại nhưng không khép cửa được vì còn phân nữa thân bà hành khách ló ra ngoài. Nó lấy hết sức bình sanh đẩy cửa, ép cho bà khách vô:

– Chịu khó chút Má Hai!…

Khôi Hài

Với dáng người đạo mạo, hiền từ và nghiêm trang của ông, ai cũng nghĩ rằng văn từ của ông không thề mang tánh chất trào lộng, chọc cười người đọc được. Tuy nhiên, người ta thấy sự vui tươi, hồn nhiên, hài hước của ông được diễn tả gần như khắp nơi trong những tác phẩm của ông.

Lúc ông còn bôn ba kiếm ăn trên “vùng đất hứa”, ông không chê bay một nghề nào. Trong cuốn hồi ký và phóng sự Đời Tị Nạn của ông, ông kể lại cho đọc giả nghe một câu chuyện về con vịt lúc ông đi làm công cho một nhà hàng ở Mỹ mà tôi phải bật cười một mình khi đọc qua.

“…Một ngày đó, Mũi Đỏ bảo tôi:

  • Anh vô tủ đông đá, lấy cho tôi bốn con “tắc”!

Tôi ngơ ngác không hiểu gì, ngó anh, anh lập lại, tôi cũng không hiểu. Anh kêu tôi theo anh, trong lúc anh hỏi tôi: “Anh không biết “tắc” là gì hả?”, vừa nói vừa chui vào tủ đá, hơi khói lạnh mịt mù xông ra, không thấy đường đi, lạnh ơi là lạnh, anh đem ra một con “tắc”, tôi giựt mình, trả lời cho anh rỏ:

  • Xin lỗi anh, tôi không hiểu chữ “tắc”, thường tôi gọi là “duck”! (con vịt).

Anh nghinh nghinh ngó tôi, không nói gì, biểu tôi vô lấy thêm ba con “tắc” nữa…”

 Kiến Thức

Xuyên qua những tác phẩm của ông, người ta thấy nhà văn Lê Văn Hưởng có một kiến thức tổng quát rất uyên thâm. Ngoài kiến thức khoa bảng, quân sự, chính trị, ông còn có một kiến thức triết lý, văn hóa tổng quát, lịch sử, địa dư, xả hội thật đáng được kính nễ. Ông thông hiểu nhiều chuyện đời mà không phải nhà văn nào có thể được như vậy.

Trong những tác phẩm của ông, người ta thấy thỉnh thoảng ông xen vào những câu ca dao, những câu thơ để đời của nhiều nhà thơ nổi tiếng xưa nay trên thi trường Việt Nam, làm đọc giả cảm thấy vô cùng ngạc nhiên và khoan khoái. Ông còn thông thạo nhiều bài thơ của những thi gia xưa như ông Nguyễn Công Trứ và bà Huyện Thanh Quan. Mặc dầu không phải là một thi sĩ, nhưng ông có một tinh thần lãng mạn như các nhà thơ Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Đinh Hùng, Vủ Hoàng Chương, Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Tú Xương, Kiên Giang…

Trong những tác phẩm của ông, người ta thấy ông dẫn chứng không biết bao nhiêu chuyện, bao nhiêu quan niệm, tư tưởng của nhiều học giả, văn hào, v.v… xưa nay trên thế giới. Sự hiểu biết của ông thật rộng rải, mênh mông mà ít có nhà văn nào có được trên văn đàn Việt trước sau tháng 4 năm 1975.

Tôi không biết ông có là một nhạc sĩ hay không và ở nhà ông thưởng thức âm nhạc ra sao, mà ông thuộc nhiều bản nhạc xưa nay như nằm lòng. Ông thường đưa vào những tác phẩm của ông nhiều lời nhạc phổ thông thật trử tình, trử ý của những nhạc sĩ nổi tiếng ở miền Nam trước đây. Trí nhớ của ông thật là kinh khủng!

Trong quyển Trên Nẻo Đường Quê Hương, nhiều chỗ ông đã đưa ra những sai lầm của triết lý ngông cuồng nông cạn phản phúc dân nghèo của Karl Marx.

Ông có kinh nghiệm sống với những người Cộng Sản có kiến thức địa dư chưa ra khỏi xóm làng và sự hiều biết chưa đầy “lá mít” mà nói chuyện cách mạng, giải phóng trên trời dưới đất.

Kiến thức của nhà văn Lê Văn Hưởng không dừng ở chốn văn chương, triết lý, nhưng còn bao chứa cả đến tôn giáo ở Việt Nam nữa. Ông còn là người hiểu nhiều về đạo Phật, đạo Thiên Chúa và ngay cả đạo Hòa Hảo ở miền Châu Đốc và đạo Cao Đài ở Tây Ninh.

CON NGƯỜI

Thật Tình

Người ta cho rằng một tác phẩm văn học là một sáng tạo nghệ thuật. Sáng tạo nghệ thuật là công việc của người nghệ sĩ ra công dùng tưởng tượng để biến chế ra sự thật hay dùng sự thật để biến chế ra tưởng tượng. Do đó, một tác phẩm văn học đôi khi hư, đôi khi thực. Nó là một ảo thực mà tác giả giống như tạo hóa an bài hay thay đổi một hiển nhiên.

Tuy nhiên, đọc qua những tác phẩm văn học của nhà văn Lê Văn Hưởng, người ta thấy rằng tác giả và tác phẩm của ông không có thể là ảo và thực, nhưng có lẽ chỉ có thực mà thôi. Đặc biệt trong ba cuốn Cuốn Phim Dĩ Vảng, Đời Tỵ Nạn và Trên Nẻo Đường Quê Hương, cốt chuyện là sự thật của cuộc đời tác giả.

Điều quan trọng ở đây là sự thật cuộc đời của tác giả có được kể lại một cách trung thực hay không? Có người cho rằng người viết hồi ký thường đưa ra những cái tốt, những cái được người đời ham thích, ca tụng của mình hơn là những cái xấu, không được nhân gian trầm trồ quý trọng. Ở đây, người viết hồi ký Lê Văn Hưởng có lẽ không phải là người đó.

Tôi còn nhớ trước khi ông cho ra đời quyển Trên Nẻo Đường Quê Hương, trong khi gởi điện thơ thăm hỏi nhau, có lần ông đã viết cho tôi: “ …Hiện giờ, tôi cũng đang cố gắng chu toàn một quyển chuyện khác, “hồi ký tuổi thơ”, không biết sẽ được đón nhận thế nào, vì người Pháp có nói: “Le moi est haissable” (Cái tôi đáng ghét).Lúc đọc mầy dòng nầy, tôi không biết ông sẽ nói gì trong tác phẩm sắp ra lò của ông mà ông sợ “Le moi est haissable”.

Cho đến khi đọc xong tác phẩm mà ông sợ có “cái ta đáng ghét” trong đó, tôi thấy những gì ông viết lại về cuộc đời của ông, viết lại “cái ta” của ông, đều không có gì đáng ghét cả. Tôi thấy tác giả không phải là người thích…”nỗ”!. Ông là một nhà văn có một đức tánh khiêm nhường và vô cùng thành thật với bản thân ông. Cũng giống như hai quyển hồi ký Cuốn Phim Dĩ Vảng và Đời Tỵ Nạn mà ông ra mắt văn trường trước đây, trong cuốn Trên Nẻo Đường Quê Hương, cuốn sách mà ông cứ sợ nói tới cái “Le moi est haissable”, tác giả đã kể lại tất cả những gì đã xảy ra cho cuộc đời ông. Ông thật thà kể cho mọi người nghe gốc gác của mình, những chuỗi ngày khổ cực, nghèo nàn trong đời ông mà ông phải trải qua. Ông không che dấu hay khoe khoang điều gì.

Có một thời gian ông làm nhà hàng ở Florida, ông sợ “mất mặt bầu cua” nếu rủi ro “bị” người Việt thấy. Vì vậy ông thích làm việc phía sau nhiều. Ông cũng cần không giấu giếm cái mắc cở thầm kín của ông với mọi người.

Yêu Nước

Khi còn nhỏ, ông muốn giống như là một Gabriel Péri, một nhà báo Pháp trước khi bị quân Đức xử bắn vì tội chống Đức chiếm Pháp trong Đệ Nhi Thế Chiến, đã la lớn lên: “Je vais preparer les lendemains qui chantent (Tôi chuẩn bị cho ngày mai tươi sáng- Trên Nẻo Đường Quê Hương).Vì vậy, có một thời gian ông gia nhập Thanh Niên Tiền Phong vô “khu” chống giặc Pháp để cứu nước.

Cho đến khi bị bắt cầm tù và hiểu rỏ bản chất tàn ác của quân Cộng Sản, ông không còn tha thiết gì với chuyện tham gia và ủng hộ loại người nầy nữa.

Yêu Người

Khi làm công cho một nhà hàng, ông được người thưởng một đô-la. Ông vô nhà bếp chia cho người bạn làm chung phân nữa vì biết bạn mình không bao giờ được ai cho một số tiền như vậy. Ông cảm thấy trong lòng vui sướng không cùng vì vừa được cho tiền và vừa giúp được bạn mình mặc dầu số tiền đó không đáng bao nhiêu.

Yêu Đời

Mặc dầu tuổi tác đã cao, đã long đong trôi nổi với đời, nhưng lúc nào ông cũng yêu đời. Có lần để khuyên tôi…sống vui, sống khỏe với bịnh hoạn, ông gởi cho tôi hai câu thơ bất hủ của thi sĩ Kahlil Gibran trong bài The Prophet:

“Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy,

Ta còn có một ngày nữa để yêu thương”

(Vô danh)

(To wake at dawn with a winged heart

and give thanks for another day of loving)

          Tình Nghĩa

Từ ngày chạy giặc Cộng Sản cho tới ngày đoàn tụ với gia đình, sống ở xứ người giữa hoàn cảnh tự do trai gái và xa cách vợ mình trong 6 năm dài, tình yêu người vợ hiền yêu dấu của ông vẩn vửng bền như sắt đá trong lòng ông. Ông không phải là hạng người:

“Tin nhà ngày một vắng tin
Mặn tình cát lũy, lạt tình tao khang”
(Nguyễn Du – Truyện Kiều)

Tình yêu chung thủy đối với người vợ nhà đang ngày đêm ngóng trông gặp lại chồng của ông thật là đáng…nễ! Trong quyển Đời Tỵ Nạn, ông kể lại chuyện cô Cindy, một thiếu nữ người Mỹ đã quyến rủ ông, một cặp vợ chồng người Việt muốn gả cháu gái cho ông và một người đẹp đã tặng ông một bức tranh “độc nhứt vô nhị”, nhưng ông đều quyết chí bỏ qua, không nghĩ đến việc “lăng nhăng”.

Sau khi đọc chuyện ông kể về cô Cindy trong quyển Đời Tỵ Nạn, tôi có viết thơ đùa với ông: “ Tôi rất cảm phục anh. Nếu gặp tôi trong hoàn cảnh như vậy, tôi không biết giải quyết ra sao đây?!!”. Ông hài hước trả lời: “ Cô Cindy đã có 3, 4 đời chồng. Tôi không muốn phải làm người chồng thứ năm của cô!!”.

Tình nghĩa huynh đệ chi binh Quân Nhu của ông đã được thể hiện qua sự gắn bó và giúp đở Hội Ái Hữu Quân Nhu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong những năm qua của ông. Ông đã không hề tiếc hối khi hiến một số tiến bán sách của ông cho Hội để mong Hội có thể hoạt động được lâu dài. Ít có ai làm được một việc đầy ý nghĩa như vậy.

Chữ tình và nghĩa của ông thật lớn ngay đối với vật vô tri vô giác.

Trong quyển Đời Tỵ Nạn, trang 103, tình nghĩa của ông được thố lộ qua cảm tưởng đối với chiếc xe “con cóc” của ông như sau:

“…Hai năm về trước, lái chiếc xe con cóc xuống Miami, lòng hăng hái, giờ đây, tôi lái trở về “cố quốc” với chiếc xe cũ, bệ rạc nhiều. Nhớ thương chiếc xe con cóc, tuy bị đụng móp méo mà con cóc vẩn “thương” mình, nó cho tôi ba trăm đồng trước khi từ giã tôi, một số tiền rất hậu vào thời đó.

Về việc nầy, tôi rút được bài học đáng giá, là khi nào mình chăm sóc, yêu thương ai, một con vật hay một vật vô tri vô giác nào, không phải là điều vô ích mặc dầu lúc ra tay, mình không trông trông đợi đền bù…”. 

Tranh Đấu

Từ một vị Đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, có quyền, có thế, nhưng

sau ngày đổi đời, khi đối diện với những thực tế phủ phàng, nhà văn Lê Văn Hưởng đã không kêu than gì với số phận. Ông đã vật lộn với đời trong một hoàn cảnh sống mới đầy cực khổ và tủi nhục. Ông hòa mình với mọi người và cố nhoi lên trong cuộc sống vì gia đình và bản thân.

          Việc ban ngày làm văn phòng phụ giúp giấy tờ cho người tỵ nạn ở Florida sau năm 1980 và ban đêm đi làm nhà hàng để kiếm tiền thêm của ông chứng minh sự đấu tranh với đời hiếm có của ông.

Qua những chuyện viết của ông, người ta thấy cuộc đời ông là một chuỗi dài tranh đấu. Tranh đấu để sanh tồn và để vươn lên. Thành công trong đời của ông là kết tụ của những gian khổ và hy sinh.

Với hai bàn tay trắng sau khi trốn chạy khỏi quân Cộng Sản ở xứ người, ông đã cố gắng quên đi quá khứ để thích nghi với hoàn cảnh mới và kết cuộc gặt hái được những nụ cười tươi với hạnh phúc bên người vợ hiền mà ông trót gởi trọn tình thương yêu. Ông tự hãnh diện với tủi nhục, giỡn đùa với số phận vì hai chữ tự do cho gia đình và bản thân. Gian truân và ê chề của cuộc đời không làm ông nản chí, thất vọng.

Sửa Sai

Trang 53 trong quyển hồi ký Đời Tỵ Nạn của ông, nhà văn Lê Văn Hưởng có kể cho đọc giả một “chuyện tình” trong quãng đời “không tỉnh lặng” của ông. Ông cho biết cách đây mấy mươi năm, ông có quen một người đẹp vốn dĩ là một họa sĩ tài ba. Không biết cảm tình của cô dành cho ông thế nào mà cô họa sĩ nầy tặng ông một bức tranh đẹp đôc nhứt vô nhị. Ông không cho biết ông hạ hồi của câu “chuyện tình” đẹp như mơ thơ như mộng nầy ra sao. Mà ông chỉ kết thúc một cách bỏ hở:

“…Nghĩ lại, tôi cảm thấy có tội mấy chục lần hơn anh Phê-Rô (1) lượm được một sợi dây ở đầu kia có dính một con trâu. Sau nầy là thời gian “sám hối”, danh từ mà đạo nào cũng giảng dạy và nhắc nhỡ mình ăn năn cùng nhận lỗi khi làm điều gì say quấy.

Tục ngữ Pháp có câu: “Một lỗi thú nhận được tha thứ phân nữa” (Une faute avouée est à moitié pardonné)

(Đời Tỵ Nạn)

Ông muốn nói gì ở đây? Có lẽ ông muốn ám chỉ: “ Có tội thì hãy nhận tội để sửa đổi, cải thiện!. Có thế, tội tình sẽ có thể được nhẹ đi phân nữa. Chớ chưa hẳn là được tha hết! Thế nhưng trên cõi đời nầy vẩn có người làm lỗi mà không bao giờ thấy và nếu thấy cũng chưa chắc nhận lỗi mình đã gây ra, vẩn nghênh ngang, hống hách!

Cái triết lý trong câu chuyện “lẩm cẩm sự đời” nầy có lẽ là một bài học cho nhiều người trong chúng ta phải suy ngẫm.

(1)- Chuyện vui về anh chàng Phê-Rô đem bán một con trâu của trời cho, rồi đi đánh bạc thua hết tiền. Sau đó anh di xin tội với một vị linh mục.

KẾT LUẬN

 Viết để nói về nhà văn Lê Văn Hưởng trong mấy trang giấy xét ra không đủ. Con người và văn phong của ông có lẽ còn nhiều lắm những độc đáo mà đọc giả chỉ có thể biết được sau khi đọc những tác phẩm của ông.

Tôi là một người lính trong quá khứ không được hân hạnh phục vụ dưới trướng của cựu Đại tá Lê Văn Hưởng. Tôi cũng chưa được hưởng gì gọi là “ơn mưa móc” của ông.

Cầu xin người đọc đừng cho tôi viết bài nầy để tâng bốc ông lên khỏi chin từng mây vì một lý do gì!. Với nhiệt tình và nhận xét chân thật của lòng, viết bài nầy hôm nay, tôi chỉ muốn trình làng những điều hay vẻ đẹp từ ngòi bút của một nhà văn vỏ biền Quân Nhu mà tôi luôn luôn trọng phục.

Đối với tôi, nhà văn Lê Văn Hưởng là một trong những vì sao sáng trong làng văn học của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở hải ngoại sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Hôm nay, nhà văn Lê Văn Hưởng đã có mặt trên trái đất nầy được 88 năm rồi. Tuổi hạc ông đã cao. Đầu tháng 5/2014, tôi có viết thơ hỏi ông có đi dự đại hội Quân Nhu năm nay hay không. Ông cho biết vì “Sanh Lão Bệnh Tử”, sức khỏe của ông không còn được như xưa, nên ông sẽ không thể đi tham dự được.Tôi thấy lòng buồn buồn khi nhận được tin nầy.

Sanh Lão Bệnh Tử? Đúng vậy! Đó là luật thường nhiên! Rồi ai ai cũng sẽ già nua, ai ai cũng sẽ bệnh hoạn để rồi phải từ giả cõi đời vui buồn nầy.

Tôi nói không kiêng kỵ vì sự thật tử sanh có gì là đáng sợ! Rồi một ngày nào ông sẽ ra đi!

Cá nhân tôi sẽ nhớ tiếc ông với tình người, tình lính, tình văn.

Hội Ái Hữu Quân Nhu ở hải ngoại sẽ mãi tưởng thương ông vì chính ông là một trong những người có đầy tình nghĩa Quân Nhu, đã tích cực và hy sinh hổ trợ cho sự tồn tại của Hội nầy một phần lớn.

Văn sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và văn đoàn Việt sẽ mất đi một ngòi viết trên đời hiếm có.

Từ bây giờ tới ngày cát bụi gọi về, tôi cầu mong sức khỏe của ông luôn được dồi dào và ông sẽ còn sống lâu, sống lâu hơn nữa. Ông sẽ sống lâu với những chuỗi năm dài không còn phiền lụy, với sự may mắn, bình an và với những nụ cười vui không tắt trên bước đường chiều hạnh phúc thênh thang.

Nam Thảo